Quy tắc nuôi dạy đúng cách giúp con tự lập

Để nuôi dạy con đúng cách trở thành một người thành công trong tương lai, cha mẹ cần phải trang bị cho con rất nhiều thói quen và kỹ năng sống cần thiết. Trong đó có kỹ năng sống tự lập – một trong những kỹ năng “gốc” quan trọng để con có nền móng xây dựng tính cách, thói quen và lối sống tích cực. Thế nhưng để rèn được kỹ năng tự lập ở con trẻ, cha mẹ cần phải có “bí kíp” nuôi dạy con đúng cách.

1. Trở thành tấm gương tốt cho con.

Mọi người vẫn thường được nghe câu “Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”, nhìn hành động và tính cách của con, có thể thấy được phương pháp giáo dục của phụ huynh là đúng hay sai. Đừng nói với con bạn những gì bạn muốn chúng làm, cách tốt nhất là để chúng bắt chước theo hành động của cha mẹ. Thay vì lúc nào cũng khuyên con cái đọc sách rất tốt cho trí não, bạn hãy hình thành cho mình thói quen đọc sách và thường xuyên đọc cho trẻ nghe.

2. Không chiều chuộng con quá mức.

Cha mẹ quá nuông chiều con cái, không kiểm soát, cho rằng “nó còn nhỏ có biết gì đâu” sẽ gây ra nhiều tác hại không ngờ.

Khi một đứa trẻ còn nhỏ, chúng chưa biết phân biệt đúng sai, việc chiều chuộng con cái sẽ khiến chúng trở nên hư hỏng, tự cao tự đại, coi thường người khác. Một khi những điều này trở thành thói quen, cha mẹ sẽ bất lực trong việc dạy dỗ con mình và có xu hướng sử dụng đòn roi.

3. Khen đúng lúc đúng việc.

Khen ngợi bé cũng cần có phương pháp, thay vì những câu nói chung chung như “con giỏi quá, con làm tốt lắm”, thì cha mẹ nên đi thẳng vào vấn đề như “con giải toán đúng rồi”, “con quét nhà rất sạch”. Hãy khen bé khi bé làm được một việc tốt để con có động lực phát huy và duy trì tinh thần đó. Lời khen tuy đơn giản nhưng lại chính là món quà khen thưởng ý nghĩa nhất để con có những cư xử tốt. Bạn không nên dùng vật chất để khen thưởng bé vì như thế sẽ tạo thói quen không tốt cho con.

4. Cha mẹ nên cho con có không gian tự do của mình.

Có thể khi còn nhỏ con cần phụ thuộc và cần bố mẹ liên tục, song càng lớn các con càng cần có không gian riêng tư cho bản thân. Việc cho con trẻ không gian tự do của mình không chỉ là vấn đề riêng tư của con mà còn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng con của cha mẹ. 

5.Tôn trọng ý kiến của trẻ.

Khi trẻ đưa ra yêu cầu, hãy lắng nghe và đánh giá xem liệu làm như vậy có những ưu/ nhược điểm gì. Cho dù bạn không đồng ý, hãy giải thích và cho trẻ lý do chính đáng. Để con được tham gia và thảo luận mọi chuyện trong gia đình cũng sẽ khiến bé cảm thấy con được yêu thương và tôn trọng. Việc bố mẹ cứ bắt ép trẻ phải làm theo ý kiến của người lớn là không nên, khiến bé không có sự sáng tạo, không tự vận động suy nghĩ, làm cho bé ngày càng trở nên thụ động vì mọi việc chỉ làm theo sự sắp xếp của bố mẹ.

6. Rèn luyện thói quen tốt.

Trẻ càng nhỏ càng như một tờ giấy trắng, dễ được cha mẹ uốn nắn hơn. Vì thế, nếu trẻ sớm được cha mẹ rèn những thói quen tốt, điều đó sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho trẻ sau này.

Những thói quen tốt cần trau dồi sớm ở trẻ như tính tự lập, tự ăn cơm, tự dọn dẹp đồ chơi, biết chia sẻ và quan tâm tới mọi người, không gây ồn ào nơi công cộng… Một khi những thói quen này trở thành điều rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày, trẻ sẽ dần sống kỷ luật, tự lập, tốt bụng… Đây đều là những đức tính cha mẹ nào cũng đều mong con mình có.

7.Chấp nhận một số điều chưa hoàn hảo từ con.

Dù là người lớn hay trẻ con thì đều có những lúc làm sai. Đây hoàn toàn là điều bình thường. Cha mẹ tốt là người chấp nhận điều chưa tốt và cho con cơ hội để sửa sai. Nếu như lúc nào bạn cũng đòi hỏi bé phải làm tốt dẫn đến việc con sẽ đánh mất các kĩ năng cần thiết như khó chấp nhận thất bại, sợ bố mẹ mắng…

8.Cho trẻ sống trong môi trường tích cực.

Trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và dễ bắt chước thói hư tật xấu từ bạn bè. Nếu trẻ có những người bạn thường xuyên nói tục chửi thề, dù được cha mẹ nhắc nhở không được nói như vậy nhưng trẻ sẽ dần nói theo bạn.

9.Kỷ luật và những bài học đầu tiên.

Kỷ luật là đức tính mà bất cứ người thành công nào cũng có và rèn luyện chúng mỗi ngày. Cha mẹ muốn nuôi dạy con đúng cách hãy tập cho con tính kỷ luật ngay từ nhỏ. Trong môi trường tập thể lớn như tổ chức, doanh nghiệp, kỷ luật gắn liền với sự tuân thủ, quy định và công việc cần hoàn thành lặp đi lặp lại, nhưng điều này không thể áp dụng cho con trẻ một cách cứng nhắc. 

10.Dạy con lễ phép, kính trên nhường dưới.

Dù được phép tự do hoạt động, tự do làm điều bé muốn trong những nguyên tắc của bạn đặt ra nhưng cũng hãy dạy bé cách tôn trọng gia đình, lễ phép với ông bà cha mẹ. Không được tập cho bé thói quen ỷ lại vào tình thương của bố mẹ, ông bà mà trở nên ương bướng.

Đặc biệt, trong những lời giao tiếp với các thành viên trong gia đình phải có sự dạy dỗ nghiêm ngặt, không nên để bé nói những câu nói không lễ phép với người lớn.

Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu được tâm lý của con từ đó trở thành những ông bố bà mẹ gần gũi với con hơn nha.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *