Cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình

Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến việc chăm sóc sức khỏe dễ bị lơ là, chinh vì vậy, với nhiều người, việc xây dựng và duy trì một gia đình khỏe mạnh không hề dễ dàng. Thế nhưng, thực tế, đôi lúc việc chăm sóc sức khỏe gia đình không cần quá phức tạp mà chỉ cần để ý đến những lưu ý rất nhỏ là đã có thể giúp các thành viên luôn khỏe mạnh.

1. Dinh dưỡng cân đối.

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, không chỉ cung cấp năng lượng, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển cân đối mà còn sửa chữa, bảo trì các tế bào của cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng khoẻ mạnh, phù hợp với từng độ tuổi sẽ cải thiện và phòng ngừa các nguy cơ bệnh tật. Chính vì vậy, đảm bảo dinh dưỡng là yếu tố đầu tiên cần được quan tâm khi chăm sóc sức khỏe gia đình.

Theo đó, để chăm sóc sức khỏe cho cả nhà, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối giữa 4 nhóm dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Đồng thời nhớ uống đủ nước và bổ sung chất xơ cho cơ thể.

2.Tập luyện thể dục mỗi ngày.

Dù bận rộn đến mấy, bạn cũng nên dành tối thiểu 30 phút luyện tập thể dục mỗi ngày. Bạn có thể chọn một khung giờ mà tất cả các thành viên trong gia đình đều rảnh – lý tưởng là sau khi ăn tối – để đi bộ, chạy bộ, đạp xe…Tuy nhiên, đừng quên xem xét tình trạng sức khỏe cũng như điều kiện của cả nhà để chọn ra một môn thể thao phù hợp và cùng nhau tập luyện.

3. Chăm sóc giấc ngủ ngon.

Ngủ là lúc giúp cơ thể sạc lại năng lượng cho một ngày dài mệt mỏi. Vì thế, đừng để những tác nhân bên ngoài làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thông thường, chúng ta sẽ cần phải ngủ khoảng 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, con số này cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi.

Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, hãy thử uống một ly nước ấm hoặc sử dụng những loại âm thanh như tiếng sóng vỗ, tiếng mưa… để dễ chìm vào giấc ngủ. Ngoài ra, trước khi ngủ, hãy tránh xa các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính… và tránh làm những thứ kích thích khiến não hoạt động quá mức.

4.Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa.

giữ gìn vệ sinh không gian sinh hoạt và vệ sinh cá nhân cũng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh. Để giữ vệ sinh không gian sinh hoạt, hãy chủ động lau dọn ít nhất 1 tuần/lần. Bụi chính là “kẻ thù không đội trời chung” với chứng viêm mũi dị ứng. Vì thế, bạn nên dọn dẹp nơi ở, nhất là phòng ngủ để tránh tình trạng bụi bẩn. Ngoài ra, đừng quên dùng cồn lau tay nắm cửa và nút bấm bồn cầu.

5.Tạo không khí gia đình luôn vui vẻ.

Với mỗi gia đình, sức khoẻ tinh thần  là điểm tựa để mỗi thành viên cùng nhau phát triển. Không khí gia đình vui vẻ, những thành viên trong gia đình cùng gắn kết, sẻ chia sẽ tạo động lực để cùng cố gắng và kiên cường vượt qua những nghịch cảnh. Không chỉ vậy, những thành viên trong gia đình cũng ít gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn. Vì vậy, không khí gia đình cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mỗi người.
Một vài cách tạo không khí vui vẻ trong gia đình mà bạn có thể tham khảo:

  • Cùng nhau làm việc nhà
  • Không quên những dịp lễ đặc biệt
  • Cha mẹ tránh tranh cãi trước mặt con cái
  • Trò chuyện gần gũi với con cái
  • Tham gia các cuộc thi gia đình để thấu hiểu nhau hơn.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *